Trung Á Các cuộc xâm lược của Mông Cổ

Cuộc xâm lược Trung Á của Mông Cổ được tiến hành sau sự thống nhất các bộ lạc người Mông Cổ và Đột Quyết trên thảo nguyên Mông Cổ năm 1206. Chiến dịch xâm lược Trung Á hoàn thành sau khi Thành Cát Tư Hãn chinh phục Đế quốc Khwarizmian năm 1221.

Chinh phục Siberia

Cuộc chinh phạt các bộ tộc ở Siberia được quân Mông Cổ thực hiện vào năm 1207 bởi con trai cả của Thành Cát Tư Hãn là Truật Xích. Hầu hết các bộ lạc ở Siberia bị người Mông Cổ chinh phục với rất ít sự kháng cự, ngoại trừ Yenisei Kyrgyz, những người đã đánh bại một lực lượng viễn chinh của Mông Cổ vào năm 1204, và phải mất vài năm để quân Mông Cổ có thể hoàn toàn khuất phục được họ. Tuva đã bị người Mông Cổ chinh phục vào năm 1207.

Chinh phục Tây Liêu

Các dân tộc Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), Cát La Lộc (Karluk), Đột Quyết (Turk) và Tháp Cát Khắc (Tajik) bản địa đã phục tùng người Mông Cổ. Năm 1210, Ba Nhi Truật A Nhi Thải Đích Cân (Baurchuk Art Tekin), người Duy Ngô Nhĩ, cai trị Cao Xương Hồi Cốt (Kara-Khoja), đã trình diện trước Đại hãn Mông Cổ và tuyên thệ đồng minh với người Mông Cổ.[1] Ông ta được Thành Cát Tư Hãn gả một công chúa cho, và người Duy Ngô Nhĩ đã trở thành những chư hầu dưới quyền người Mông Cổ. Một lãnh đạo của người Cát La Lộc và người Khả Tát (Khazar), lãnh chúa của lưu vực sông Chuy, đã theo gương người Duy Ngô Nhĩ.

Tây Liêu là nhà nước của người Khiết Đan thuộc triều đại Nhà Liêu, những người đã bị đánh đuổi ra khỏi miền bắc Trung Quốc bởi nhà Kim. Sau khi triều Liêu diệt vong, Gia Luật Đại Thạch suất dư chúng dời về phía tây, đến lưu vực sông Chuy ở Trung Á, lập ra Tây Liêu vào năm 1132. Họ thống trị Trung Á vào thế kỷ thứ 12 sau khi họ đánh bại nhà lãnh đạo vĩ đại của đế chế Seljuk là Ahmed Sanjar trong Trận Qatwan năm 1141.

Sau khi hoàng đế Tây Liêu là Khuất Xuất Luật tấn công thành Almaliq (A Lực Ma Lý), người Cát La Lộc (Karluk) tại đây đã yêu cầu Thành Cát Tư Hãn giúp đỡ. Năm 1216, Thành Cát Tư Hãn cử tướng Triết Biệt (Jebe) đến truy kích Khuất Xuất Luật. Người Mông Cổ đầu tiên tới Almaliq, sau đó tiền vào kinh đô Balasaghun gần nơi họ đã đánh bại 30.000 quân Tây Liêu. Khuất Xuất Luật chạy về phía nam, tại đây, một nhóm thợ săn đã bắt ông và trao ông cho người Mông Cổ. Khuất Xuất Luật bị chặt đầu, và theo Nguyên sử, đầu ông bị bêu khắp lãnh thổ cũ của mình.

Với cái chết của Khuất Xuất Luật, Đế quốc Mông Cổ đã bảo đảm được quyền kiểm soát đối với Tây Liêu. Người Mông Cổ hiện đang có một tiền đồn vững chắc ở Trung Á và biên giới của họ giờ đây đã tiếp giáp với Đế chế Khwarezm. Mối quan hệ với Khwarezm sẽ nhanh chóng bị phá vỡ, dẫn đến cuộc xâm lăng của người Mông Cổ vào Đế chế Khwarezm

Mông Cổ xâm lược Khwarezmia (1219-1221)

Sau khi Tây Liêu bị tiêu diệt, Đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn đã tiến tới biên giới của Đế quốc Khwarezmia, do Shah Ala ad-Din Muhammad cai trị. Thành Cát Tư Hãn phái một đoàn lạc đà gồm 500 người Hồi giáo tới Khwarezmia để thiết lập mối quan hệ thương mại chính thức. Tuy nhiên, Inalchuq, người cai trị thành phố Otrar của Khwarezmia, đã bắt giam những thành viên người Mông Cổ của đoàn lạc đà, buộc tội đoàn này có âm mưu chống lại Khwarezmia.

Thành Cát Tư Hãn khi đó đã phái một đoàn thứ hai gồm 3 sứ thần (một theo Hồi giáo và hai người Mông Cổ) tới gặp trực tiếp shah và yêu cầu thả tự do cho đoàn lạc đà ở Otrar, và người cai quản thành phố này phải bị trừng trị. Shah ra lệnh cạo đầu 2 người Mông Cổ và chém đầu người Hồi giáo, rồi trả lại cho Thành Cát Tư Hãn. Muhammad cũng ra lệnh xử tử đoàn lạc đà. Đây được coi là một sự sỉ nhục ghê gớm đối với Hãn, ông vốn luôn coi các sứ giả là "thiêng liêng và bất khả xâm phạm". Điều này dẫn tới việc Thành Cát Tư Hãn tấn công đế quốc Khwarezmia. Người Mông Cổ vượt dãy Thiên Sơn, tiến vào Đế quốc của Shah năm 1219.

Mặc dù mệt mỏi sau cuộc hành quân, người Mông Cổ vẫn thắng trận đầu tiên. Một đội quân Mông Cổ, do Truật Xích (Jochi) chỉ huy, khoảng từ 25.000 đến 30.000 người, đã tấn công quân của Shah ở nam Khwarezmia và ngăn không cho đội quân này đẩy lui quân Mông Cổ vào sâu trong núi. Lực lượng chính của quân Mông Cổ, do Thành Cát Tư Hãn chỉ huy, tiến tới thành phố Otrar vào mùa thu năm 1219. Sau khi vây Otrar trong 5 tháng, quân của Hãn đã đột kích một cổng không được bảo vệ và tàn phá phần chính của thành phố.

Sau đó một tháng, pháo đài của Otrar thất thủ. Inalchuq cố thủ đến giờ phút cuối cùng, thậm chí ông còn trèo lên đỉnh của pháo đài vào giờ phút cuối và ném đá vào quân Mông Cổ đang tiến vào. Thành Cát Tư Hãn giết rất nhiều người dân trong thành, số còn lại bị bắt làm nô lệ, Inalchuq bị xử tử và ông ta đã bị người Mông Cổ dùng vàng hay bạc nóng chảy rót vào họng để trả thù việc đoàn lạc đà của họ bị bắt.

Thành Cát Tư Hãn phái tướng Triết Biệt (Jebe) chỉ huy một đội quân nhỏ tiến quân về phía nam, với ý định chặn đường rút lui của Shah đến nửa còn lại của vương quốc. Ngoài ra, Thành Cát Tư Hãn và Đà Lôi (Tolui), chỉ huy một đội quân khoảng 50.000 người, đi vòng qua Samarkand và tiến về phía tây để bao vây thành phố Bukhara trước. Để làm được điều này, họ đã phải thực hiện một công việc có vẻ bất khả thi là vượt qua sa mạc Kyzyl Kum bằng việc đi từ ốc đảo này đến ốc đảo khác, dưới sự dẫn đường của những dân du mục bị họ bắt. Người Mông Cổ đã đến được cổng thành Bukhara trong khi gần như là không bị phát hiện.

Quân đồn trú ở Bukhara bao gồm lính người Turk chỉ huy bởi các tướng người Turk, những người này đã cố phá vây vào ngày thứ ba của cuộc bao vây. Nhưng lực lượng phá vây này, có thể gồm 20.000 người, đã bị tiêu diệt trong trận chiến. Các lãnh đạo thành phố sau đó đã mở cổng cho quân Mông Cổ, mặc dù một đơn vị phòng thủ người Turk đã cố thủ trong pháo đài của thành phố trong 12 ngày tiếp theo. Những người sống sót trong pháo đài bị xử tử, nghệ nhân và các thợ thủ công bị chuyển về Mông Cổ, nam thanh niên không tham chiến bị bắt gia nhập quân Mông Cổ và những người dân còn lại thì bị bắt làm nô lệ. Khi quân Mông Cổ cướp phá thành phố, một ngọn lửa bùng phát và san bằng gần như toàn bộ thành phố. Thành Cát Tư Hãn triệu tập người dân đến ngôi đền Hồi giáo chính của thị trấn, ở đó ông tuyên bố rằng ông là liên gia (cái neo dùng để đập lúa) của Thượng đế, được cử xuống để trừng phạt họ vì những tội ác họ gây ra trước đó, và sau đó ông ra lệnh xử tử tất cả bọn họ.

Sau khi Bukhara thất thủ, Thành Cát Tư Hãn tiến quân tới kinh đô của Khwarezmia là Samarkand vào tháng 3 năm 1220. Samarkand được tổ chức phòng thủ tốt hơn nhiều với khoảng 100.000 quân. Khi Thành Cát Tư Hãn bắt đầu vây thành, các con trai ông là Sát Hợp Đài (Chaghatai) và Oa Khoát Đài (Ogedei) cũng đến hợp quân với ông sau khi chinh phục xong Otrar, và quân Mông Cổ bắt đầu tấn công thành phố. Quân Mông Cổ sử dụng tù nhân làm lá chắn. Vào ngày thứ ba của cuộc chiến, quân đồn trú ở Samarkand mở một cuộc phản công. Giả vờ rút lui, Thành Cát Tư Hãn đã lừa khoảng 50.000 quân ra ngoài pháo đài của Samarkand và tiêu diệt họ trong trận chiến. Shah Muhammad cố gắng giải vây thành phố 2 lần, nhưng đều bị đẩy lui. Vào ngày thứ năm, ngoại trừ khoảng 2.000 lính, số còn lại đã đầu hàng. Những người lính còn lại, trung thành đến chết với Shah, đã cố thủ trong pháo đài. Sau khi pháo đài thất thủ, Thành Cát Tư Hãn đã nuốt lời hứa với những người đầu hàng và xử tử tất cả những người lính chống lại ông ở Samarkand. Người dân ở Samarkand được lệnh sơ tán và tập trung ở một khu đất trống ngoài thành phố, ở đó họ bị tàn sát và đầu của họ được chất thành một hình kim tự tháp như là biểu tượng chiến thắng của người Mông Cổ

Cuộc tấn công vào Urgench là trận chiến khó khăn nhất của quân Mông Cổ từ đầu cuộc chiến. Thành phố được xây dựng dọc sông Amu Darya trong một vùng đồng bằng nhiều đầm lầy. Đất mềm vốn không phải là điều kiện thuận lợi cho việc vây thành, và các máy bắn đá bị thiếu đá. Mặc dù vậy, quân Mông Cổ vẫn tấn công, và thành chỉ thất thủ sau một trận chiến ác liệt với quân phòng thủ kiên cường, giành giật từng khối nhà một. Thương vong của quân Mông Cổ cao hơn bình thường, do các chiến thuật của quân Mông Cổ không phù hợp với việc chiến đấu trong thành phố. Như thường lệ, các nghệ nhân bị bắt đưa về Mông Cổ, phụ nữ trẻ và trẻ em bị bắt làm nô lệ cho lính Mông Cổ, còn lại thì bị thảm sát. Học giả Ba Tư là Juvayni ghi lại rằng mỗi một người lính Mông Cổ được giao nhiệm vụ hành quyết 24 người Urgench, có khoảng 50.000 lính Mông Cổ tức là khoảng 1,2 triệu người bị giết. Có thể đây chỉ là con số phóng đại, nhưng cuộc cướp bóc ở Urgench vẫn được coi là một trong những vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử loài người.

Sau đó, đến lượt thành phố Gurjang phía nam biển Aral, bị phá hủy. Để bắt thành phố phải đầu hàng, người Mông Cổ đã phá đập để làm ngập thành phố, sau đó xử tử những người sống sót.

Khi quân Mông Cổ tiến quân đến Urgench, Thành Cát Tư Hãn đã phái con út của mình là Đà Lôi (Tolui) chỉ huy một đội quân tiến về tỉnh Khorasan ở phía tây của đế quốc Khwarezmia. Những thành phố đầu tiên thất thủ là Termez và Balkh. Thành phố chính thất thủ trước quân của Đà Lôi là Merv. Trong 6 ngày, Đà Lôi bao vây thành phố, và đến ngày thứ bảy, ông ta tấn công. Ngày hôm sau, thành chủ của thành phố đầu hàng với lời hứa của Đà Lôi sẽ đảm bảo mạng sống cho cư dân. Tuy nhiên, ngay khi nắm quyền kiểm soát thành phố, Đà Lôi tàn sát hầu hết những người đầu hàng, trong một cuộc thảm sát thậm chí có thể còn lớn hơn cuộc thảm sát ở Urgench. Sau khi công hạ Merv, Đà Lôi tiến về phía tây, tấn công các thành phố Nishapur và Herat. Nishapur thất thủ chỉ sau 3 ngày; ở đây, Thoát Hốt Sát Nhi (Tokuchar), con rể của Thành Cát Tư Hãn bị tử trận, và Đà Lôi giết tất cả những sinh vật sống trong thành phố, không tha cả chómèo, với vợ góa của Tokuchar làm chủ trì cuộc giết chóc. Sau khi Nishapur thất thủ, Herat đầu hàng không kháng cự và được tha chết. Với trường hợp những người Bamia ở Hindukush thì lại là một cảnh giết chóc khác, sự kháng cự mạnh mẽ ở đây đã khiến cho một cháu trai của Thành Cát Tư Hãn tử trận. Tiếp theo là các thành phố Toos và Mashad. Đến mùa xuân năm 1221, tỉnh Khurasan đã hoàn toàn nằm trong tay quân Mông Cổ. Để một lượng quân đồn trú ở lại, Đà Lôi quay trở lại phía đông để hội quân với cha ông ta.

Sau khi chiến dịch của quân Mông Cổ kết thúc ở Khurasan, quân đội của Shah đã tan rã. Jalal ad-Din Mingburnu, người kế vị sau cái chết của Shah, bắt đầu tập hợp tàn quân ở phía nam, trong vùng thuộc Afghanistan ngày nay. Thành Cát Tư Hãn phái các lực lượng truy lùng quân đội do Jalal al-Din tập hợp, và hai bên chạm trán ở thị trấn Parwan vào mùa xuân năm 1221. Cuộc đụng độ này là một thất bại nhục nhã đối với các lực lượng Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn nổi giận, tự mình cầm quân tiến về phía nam, và tiêu diệt quân của Jalal al-Din trên sông Ấn.

Sau khi những trung tâm đối kháng còn lại bị tiêu diệt, Thành Cát Tư Hãn trở lại Mông Cổ, đặt một đội quân đồn trú Mông Cổ ở lại. Sự phá hủy và sáp nhập Đế quốc Khwarezmia là một nguy cơ đối với thế giới Hồi giáo, cũng như đối với Đông Âu. Vùng đất mới này là một bàn đạp quan trọng cho quân Mông Cổ dưới thời Oa Khoát Đài, con trai Thành Cát Tư Hãn, để ông ta xâm lược Rus KievBa Lan, và những chiến dịch sau này đã đưa quân Mông Cổ tới tận Áo, biển BalticĐức. Đối với thế giới Hồi giáo, sự sụp đổ của Khwarezmia đã mở đường cho quân Mông Cổ tiến vào Iraq, Thổ Nhĩ KỳSyria. Cả ba nhà nước này đều bị các Hãn về sau chinh phục.